Gieo khát vọng xanh

11 / 100

Dù công việc và thu nhập ở TP HCM đang thuận lợi nhưng mỗi lần nghĩ về quê nhà là Hồ Thị Ánh lại muốn về ngay để làm một điều gì đó nhằm xanh hóa vùng đất khô cằn này

Nhớ hôm trao đổi về phong trào thanh niên khởi nghiệp, anh Huỳnh Hữu Phúc, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Thuận, phấn khởi: “Phong trào thanh niên khởi nghiệp được các bạn trẻ Ninh Thuận nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó có “dự án xanh” của Hồ Thị Ánh là xuất phát từ tình yêu và ước mơ góp phần cải thiện môi trường khô hạn đầy nắng, gió của Ninh Thuận. Việc làm của Ánh tuy mới đạt những kết quả bước đầu nhưng thể hiện được tình yêu quê hương và ý chí dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ Ninh Thuận”.

Buông bỏ để trở về

Tôi đã được gặp cô gái ấy ở TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Gặp Ánh, tôi hiểu thêm “dự án xanh” mà anh Phúc nói chính là tham vọng lớn của cô gái này trong việc xây dựng môi trường xanh bắt đầu từ việc tổ chức trồng cây xanh ở các trường học và khu dân cư.

Ánh nói ý tưởng bắt nguồn từ hình ảnh người dân Ninh Thuận đi vét từng giọt nước để sinh hoạt ám ảnh cô khi Ninh Thuận chìm trong cơn đại hạn năm 2003. Lúc đó, Ánh mới 15 tuổi.

Gieo khát vọng xanh – Ảnh 1.
Hồ Thị Ánh

Ninh Thuận là vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng”, được ví như bán sa mạc của Việt Nam. Những năm đại hạn, vùng đất này càng trơ trụi. Nắng làm sông suối cạn nước, hoa màu chết khô, thậm chí mạch nước giếng cũng không còn. Ánh chỉ nghĩ đơn giản là nếu xây dựng được môi trường xanh để giữ nguồn nước ngầm thì trường học sẽ không thiếu cây xanh, nắng nóng sẽ ít ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Nếu vận động được nhà trường và học sinh tham gia trồng và chăm sóc thì chắc chắn cây sẽ phát triển tốt.

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, Ánh được học bổng toàn phần đi học thạc sĩ tại Đại học Bourgogne của Pháp. Tại đây, Ánh lấy được 2 bằng thạc sĩ về nghiên cứu độc chất trong thực phẩm và quản lý chất lượng trong công nghiệp thực phẩm, làm việc 3 năm trong nhà máy chế biến thực phẩm Festins de Sologne của Pháp, rồi 4 năm ở công ty phân phối thực phẩm không hóa chất Xanhshop tại TP HCM. Tưởng chừng công việc với thu nhập cao tại TP HCM sẽ níu kéo nhưng không, Ánh chỉ học và làm để nung nấu một ý tưởng khác.

Năm 2016, dù bao người khuyên can, Ánh vẫn quyết buông bỏ tất cả để quay về quê hương Ninh Thuận thực hiện “dự án xanh” ấp ủ bấy lâu. Ánh tâm sự: “Dù công việc và thu nhập ở TP HCM đang thuận lợi nhưng mỗi lần nghĩ đến quê nhà là em lại muốn nhanh chóng về ngay để làm một điều gì đó nhằm xanh hóa vùng đất khô cằn này”.

Lấy ngắn nuôi dài

Ánh quay về Ninh Thuận, nhưng tay không chẳng thể “bắt giặc”. Bấy giờ là lúc kiến thức đã học và kinh nghiệm của những năm đi làm phải được đưa ra để làm ra tiền, nhằm có vốn liếng cho “dự án xanh”. Nghĩ là làm, Ánh bắt đầu từng bước theo chiến lược lấy ngắn nuôi dài.

Thấy quê hương có rất nhiều nguyên liệu để chế biến sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, Ánh thử sức với việc nghiên cứu chế biến sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên không sử dụng hóa chất độc hại.

Phải mất hơn 1 năm nghiên cứu thị trường, Ánh mới quyết định vay mượn các kiểu để đầu tư một cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như: ruốc khô, bột hạt sen, gạo, đậu và chuối dẻo… Tất cả đều sử dụng nguyên liệu do nông dân khai thác ngoài tự nhiên hoặc sản xuất nhưng bảo đảm không dùng thuốc kích thích hay hóa chất độc hại.

Để cơ sở hoạt động liên tục, Ánh lặn lội khắp nơi thu mua nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên; đến tận nương, rẫy để tuyên truyền bà con nông dân về ý nghĩa và cách sản xuất nông sản sạch, rồi từ đó bao tiêu sản phẩm của họ về làm nguyên liệu.

Cơ sở sản xuất của Ánh không cần nhiều máy móc, nhân công cũng ít nhưng để làm ra một sản phẩm không sử dụng hóa chất bảo quản thì phải qua rất nhiều công đoạn, từ ủ, hấp, tách vỏ, xay, sấy, phơi bằng năng lượng tự nhiên. Bởi vậy, có sản phẩm phải qua hàng chục công đoạn mới hoàn thành. Công sức bỏ ra không ít.

Như mưa dầm thấm lâu, sau 2 năm gắn kết với nông dân, giờ Ánh đã có những nguồn cung cấp nguyên liệu khá dồi dào và ổn định. Nông dân sản xuất nông sản sạch cung cấp cho Ánh vẫn có thu nhập ổn định. Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ cơ sở chế biến thực phẩm Ông Thắng của Ánh tại phường Phước Mỹ, TP Phan Rang – Tháp Chàm cũng theo đó mà ngày càng mở rộng vì được nhiều người tin dùng.

Từ những thành công ban đầu của việc đưa kiến thức đã học vào thực tiễn, Ánh bắt đầu tích góp được vốn liếng để quay lại với “dự án xanh”. Từ giữa năm nay, Ánh trích thu nhập từ chế biến thực phẩm để mua cây, phân bón và dụng cụ cho việc thực hiện “dự án xanh”, bắt đầu từ các khu dân cư và trường học.

Thấy việc làm ý nghĩa, 5 bạn trẻ khác đã tình nguyện tham gia cùng Ánh đến các trường học trong tỉnh để khảo sát và vận động tổ chức trồng cây xanh. Việc làm được ngành giáo dục địa phương và thầy trò các trường học nhiệt tình hưởng ứng. Cứ mỗi lần nhóm của Ánh tổ chức trồng cây ở trường nào là thầy trò, có lúc cả phụ huynh học sinh, cùng tích cực tham gia đóng góp.

Gieo khát vọng xanh – Ảnh 2.
Những bạn trẻ của nhóm “dự án xanh” trong một lần trồng cây ở trường học

Cô Phạm Thị Huy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Trung, tâm sự: “Trường chúng tôi ở địa bàn miền núi nhưng ở đây bà con lại không quan tâm trồng cây xanh. Nhóm của Ánh đã đầu tư công sức và tiền của để trồng cây cho trường nên chúng tôi phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây. Việc làm của Ánh khiến cán bộ, giáo viên nhà trường chúng tôi rất cảm kích. Các bạn ấy rất vì cộng đồng, vì màu xanh tương lai và rất gần gũi. Chính các bạn ấy tự tay đào hố, tự tay trồng cây và thường xuyên hỏi han kiểm tra, nhắc nhở chúng tôi việc chăm sóc cây. Điều đó cho thấy họ rất tâm huyết và trách nhiệm với việc làm của mình”.

“Dự án xanh” của Ánh đang ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều bạn trẻ tình nguyện tham gia. Đến nay, họ đã trồng được gần 200 cây xanh có tán lớn như: xà cừ, lim, sao đen, phượng, bàng Đài Loan… tại 11 điểm trường ở Ninh Thuận. Cây đã trồng được các trường chăm sóc phát triển tốt, hứa hẹn cho bóng mát vào một ngày không xa.

Cây xanh sẽ tỏa bóng

Bây giờ thì Ánh và các bạn trẻ của mình còn lập ra fanpage Greening Ninh Thuận (facebook.com/Greening-Ninhthuan) và một nhóm (core team) hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ “dự án xanh”. Kế hoạch của nhóm là tiếp tục vận động cộng đồng tham gia rộng rãi. Trước mắt, nhóm sẽ tiếp tục vận động trồng cây tại các trường học, ít nhất là mỗi tháng một lần. Tiếp đến, sẽ tổ chức và vận động người dân tham gia trồng cây xanh tại các khu dân cư trong toàn tỉnh.

Chắc chắn trong tương lai không xa, cây xanh sẽ tỏa bóng mát khắp nơi, góp phần giảm bớt cái nóng, cái gió chói chang của Ninh Thuận.

Ánh chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của Ánh là xây dựng được những cánh rừng đa tầng, đa loài lớn giúp giữ đất, giữ nước, tạo ra môi trường xanh, sinh nguồn nước ngầm để cải thiện môi trường khô hạn của Ninh Thuận. Tuy nhiên, thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự góp sức của cộng đồng”.

Có lẽ Ánh nói đúng, dù Ánh cố gắng đến đâu nhưng nếu không có sự chung tay góp sức của cộng đồng thì ước mơ xanh hóa vùng đất cằn cỗi của Ánh sẽ rất khó thành công. Chia tay cô gái dáng hình mảnh khảnh, với đôi giày thể thao và bộ đồ lao động cũ kỹ bên hàng cây xanh mới trồng, tôi nghĩ một ngày không xa, tôi trở lại vùng đất này sẽ thấy ngút ngàn cây xanh, với tiếng lá rì rào kể về cô bé nhỏ nhắn ngày xưa đã vượt bao khó khăn để biến khát vọng xanh thành hiện thực trên vùng đất nắng gió này.

Dũng cảm chọn lối đi

Hồ Thị Ánh cho biết: “Ngay từ lúc khởi nghiệp, Ánh có một người luôn sát cánh giúp Ánh vượt qua khó khăn ban đầu. Đó chính là chị Hồ Thị Xuân Huyền, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng ở TP Phan Rang – Tháp Chàm. Nếu không có chị giúp, chắc chắn ước mơ của Ánh sẽ khó thành”.

Cô giáo Huyền thì bày tỏ nể phục khát vọng và nghị lực của Ánh: “Ánh thật dũng cảm để lựa chọn hướng đi. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Ánh đã làm được những gì mình đam mê”.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH