Chị Hồ Thị Ánh với niềm đam mê làm nông sản sạch và trồng cây xanh

9 / 100

Chị Hồ Thị Ánh- sinh năm 1987, hiện đang sinh sống tại phường Phước Mỹ- Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, Ninh Thuận. Cô có 2 bằng thạc sĩ về nghiên cứu độc chất trong thực phẩm và quản lý chất lượng trong công nghiệp thực phẩm tại đại học Bourgogne. Mặc dù đã có công việc ổn định tại Pháp với mức lương cao vào năm 2011, nhưng cô đã quyết tâm về Việt Nam để theo đuổi đam mê: làm ra nông sản sạch và trồng cây xanh trên quê hương Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, Ninh Thuận. Và hiện tại cô đang từng bước thành công với ước mơ của mình khi đã xây dựng được cơ sở chế biến thực phẩm không hóa chất Ông Thắng- cơ sở đặt phường Phước Mỹ- Tp. Phan Rang- Tháp Chàm và ngày càng khẳng định uy tín, giữ vững thương hiệu, chính bằng chất lượng sản phẩm.

Chị Ánh chia sẻ: sau những năm làm việc ở Pháp,  năm 2016, chị đã  trở về Việt Nam và làm việc  tại Công ty Phân phối thực phẩm không hóa chất Ta Xanh (Xanhshop.com) ở TP. Hồ Chí Minh –  là một trong những công ty tiên phong làm về thực phẩm không hóa chất. Chị cho biết mình rất thích công việc và môi trường làm việc ở đây.  Cùng với đó là sự dìu dắt của những người lãnh đạo của công ty đã tạo một nền tảng vững chắc và giúp chị quyết định để trở về quê mở một xưởng sản xuất thực phẩm sạch không hóa chất, thực hiện được ước mơ và khao khát được sáng tạo, mang lại những thực phẩm sạch không hóa chất đến cho mọi người.  Vậy là năm 2017, cơ sở chế biến thực phẩm không hóa chất Ông Thắng được ra đời. Bằng vốn kiến thức của một thạc sỹ nghiên cứu độc chất trong thực phẩm và quản lý chất lượng trong công nghiệp thực phẩm, chị Ánh mạnh dạn bắt tay vào chế biến ruốc khô. Thành công với sản phẩm đầu tay, đến nay người tiêu dùng vẫn còn ưa thích, chịÁnh nghiên cứu làm thêm các sản phẩm từ cây sen, cây chuối, cây xoài, các loại đậu hạt…để tạo ra các sản phẩm như: bột hạt sen, bột ngũ cốc, chuối dẻo vị gừng, chuối hồng, bánh xoài, xoài dẻo…

Để sản phẩm đến người tiêu dùng là sản phẩm sạch, Ánh rất “nghiêm khắc” trong việc chọn nguyên liệu đầu vào. Cô hợp tác với các nông dân địa phương để cung cấp nguồn nguyên liệu cho mình. Trong đó, hai bên ký thỏa thuận đảm bảo tiêu chí canh tác theo hướng tự nhiên, không dùng thuốc trừ cỏ, trừ sâu, phân thuốc hóa học trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch. Cô hướng dẫn hỗ trợ thêm cho các hộ nông dân, đồng thời thường xuyên giám sát việc này.

          Sau phần nguyên liệu đầu vào, phần quan trọng tiếp theo để làm nên sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường, cô thạc sỹ trẻ rất chú trọng khâu chế biến. Khâu này, phần lớn là thủ công, dựa vào năng lượng tự nhiên là nắng. Xưởng của cô luôn có từ 6 đến 8 nhân sự làm việc thường xuyên.

Đến khâu đóng gói sản phẩm cũng rất thân thiện môi trường. Với ý thức bảo vệ môi trường nên Ánh dùng túi giấy đóng gói phần lớn các sản phẩm. Cũng vì vậy mà sản phẩm không để được lâu. Nên hầu như sản phẩm được cơ sở sản xuất, đóng gói theo đơn đặt trước.

Bằng sự tận tâm trong từng khâu để đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, nên những sản phẩm của cô thạc sỹ trẻ này đã nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng và ủng hộ ngày càng nhiều. Thông qua các kênh bán hàng khá phong phú như: shopee, trên trang facebook, website, cửa hàng thực phẩm sạch online và offline, mạng lưới cộng tác viên…mỗi tháng xưởng sản xuất của cô chủ nhỏ cung cấp ra thị trường hơn 300 kg sản phẩm

Cô chia sẻ: Trong quá trình sản xuất và chế biến, bên cạnh những thành công thì em cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay thì xưởng đã hoạt động ổn định, chị Ánh  không phải bù lỗ như thời gian trước nữa.

Điều thú vị về cô chủ nhỏ này không chỉ ở niềm đam mê sản xuất nông sản sạch mà cô còn dành tình yêu rất lớn trong việc bảo vệ lá phổi thứ hai của chúng ta, đó là: cô đam mê trồng cây xanh. Đơn giản là vì cô thích bóng mát và nỗi ám ảnh  về cảnh thiếu nước ngọt dùng từ đợt hạn hán mà cô chứng kiến ở quê hồi học cấp 2 vẫn in hằn sâu trong tâm trí cô. Cô mong góp phần nhỏ của mình  để giảm nhẹ những thiên tai từ hạn hán và lũ lụt.

Chị Ánh đã thành lập nhóm Greening Ninh Thuận nhằm giới thiệu, kêu gọi, vận động mọi người đóng góp vật chất, sức lực và tinh thần để trồng cây tại các trường học, cơ quan, địa bàn khu dân cư…Mỗi tháng, chị Ánh đều trích một phần thu nhập từ xưởng để góp vào quỹ trồng cây. Nhận thấy ý nghĩa thiết thực từ chương trình “phủ xanh sân trường” (tên chương trình hoạt động đầu tiên của nhóm Greening Ninh Thuận) mang lại, nhiều người dân trong tỉnh tích cực cùng tham gia. Sau hơn 4 năm hoạt động, nhóm Greening Ninh Thuận đã trồng trên  4000 cây xanh ở nhiều trường học, khu dân cư trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm và trong toàn tỉnh.

Chị Hồ Thị Ánh bộc bạch: em mong sao mỗi cây xanh phát triển sẽ tỏa bóng mát, góp phần giữ mạch nước ngầm, cải thiện tình trạng nắng nóng ở Ninh Thuận. Và em rất mong được sự chung tay giúp sức của mọi người để Ninh Thuận chúng ta ngày càng xanh hơn.